BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH
Trường mầm non thị trấn Văn Giang.
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH
Hầu hết trẻ em đều thích nước vì đó là môi trường để vui chơi, khám phá nhiều điều mới lạ. Tuy nhiên, môi trường nước lại luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây đuối nước. Vì thế, chúng ta cần khuyến khích trẻ em, học sinh học bơi an toàn, học những kĩ năng phòng tránh đuối nước, hình thành các kĩ năng sinh tồn cần thiết để chủ động ứng phó khi không may gặp tai nạn đuối nước cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia hoạt động trong môi trường nước.
I. KHÁI NIỆM ĐUỐI NƯỚC
- Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), đuối nước là hiện tượng khí quản bị một lượng lớn chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới ngạt thở gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
- Đuối nước trên cạn (chết đuối khô, chết đuối thứ cấp): Thường xảy ra trong vòng 1 – 72 giờ sau khi tiếp xúc với nước hoặc bị sặc nước. Đây là hiện tượng nạn nhân bị hít nước vào phổi gây cản trở phổi cung cấp ô xi cho máu, gây ra phù phổi, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Đuối nước trên cạn hiếm gặp những vẫn xảy ra nếu không nhận biết được các biểu hiện kịp thời. Biểu hiện của đuối nước trên cạn bao gồm mệt mỏi, khó thở, tâm trạng khó chịu, ho, thiếu nhận thức,... Sau khi tắm, bơi hay sặc nước nếu có các biểu hiện trên thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có các biện pháp can thiệp.
II. NGUYÊN NHÂN GÂY ĐUỐI NƯỚC Ở HỌC SINH
Theo thống kê, trên thế giới, trẻ em ở nhóm 1 – 4 tuổi có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất, tiếp theo đó là nhóm 5 – 9 tuổi1. Tương tự ở Việt Nam, trẻ ở nhóm 1 – 4 tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất (12,9/ 100 000), tiếp đến là nhóm 5 – 9 tuổi (11/ 100 000), nhóm 10 – 14 tuổi (5,1/ 100 000),...2
Ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi (lứa tuổi mầm non): Nguyên nhân đuối nước là do các em chưa có nhận thức và không có khả năng chủ động đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước mà phải nhờ sự hỗ trợ của người khác. Vì vậy, tình trạng đuối nước ở trẻ em dưới 5 tuổi thường là hậu quả của việc trẻ bị để một mình hoặc với người chăm sóc không đủ năng lực.
Ở các nhóm tuổi khác, khi các em được học tập tại trường tiểu học (từ 6 tuổi trở lên), trung học cơ sở, trung học phổ thông đã hình thành một số kiến thức, kĩ năng về phòng tránh đuối nước và có ý thức, thái độ cao hơn. Tuy nhiên, các em thường có xu hướng vận động nhiều hơn, hiếu kì, thích khám phá, có các hành vi liều lĩnh, thể hiện bản thân. Do không nhận thức đầy đủ được các hiểm hoạ, chủ quan, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên khi không có người lớn giám sát, các em dễ bị đuối nước.
- Do thiếu sự giám sát của người lớn: Trong nhiều trường hợp vì nhiều lí do khác nhau, trẻ em bị bỏ mặc không được trông nom hoặc thoát li khỏi sự giám sát của cha mẹ, người lớn, người có trách nhiệm, dẫn đến bị ngã, rơi vào vùng nước dẫn tới bị đuối nước.
- Môi trường nước xung quanh tiềm ẩn nguy cơ: Môi trường nước xung quanh trẻ em, học sinh chưa an toàn, biểu hiện cụ thể như: chum, vại nước, chậu nước, lu, phi nước, bể chứa nước trong chính gia đình không được che đậy cẩn thận; hố các công trình đào sâu nhưng không có biển cảnh báo và rào chắn; thành giếng không đủ độ cao cần thiết; bể bơi, khu vực tắm biển không có người trông coi hoặc người trông coi không biết bơi, thiếu thiết bị cứu hộ, không có kĩ năng cứu đuối, không có biển cảnh báo nguy hiểm,...
- Do thiên tai: Do nhận thức, kiến thức, kĩ năng và thể chất, thể lực còn hạn chế, đặc biệt khi thiên tai bất ngờ xảy ra, như mưa lớn, lũ, lụt,... nước dâng nhanh, dâng cao, dòng nước xoáy, chảy mạnh khiến trẻ em, học sinh thường bị hoảng hốt, dễ bị nhấn chìm hoặc cuốn trôi xuống kênh rạch, sông suối, cống thoát nước,... dẫn đến tử vong.
III. CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC CHO HỌC SINH
Hơn 76% trẻ em bị đuối nước tại cộng đồng, trong đó có 22% trẻ em bị đuối nước ngay trong môi trường quanh nhà, thậm chí bị đuối nước ngay trong nhà tắm (theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non, có thể bị đuối nước trong xô chứa nước, dù mực nước rất thấp hay trong bồn tắm, dụng cụ chứa nước trong gia đình như chậu, xô, chum, vại lớn, bể nước, đồ chứa nước hoặc ở giếng, ao/ao nuôi cá, nơi có vùng nước mở trong khuôn viên của gia đình.
1. Nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng tránh đuối nước
* Nguyên tắc cơ bản
– Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học.
– Luôn cảnh giác, cẩn thận khi vui chơi gần các khu vực ao, hồ, sông, suối.
– Chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thuỷ.
– Học bơi theo trường lớp và có người quản lí, đào tạo đảm bảo trách nhiệm;
có phương tiện cứu hộ và sơ cứu kịp thời.
– Ra khỏi vùng nước khi cơ thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi.
– Người lớn và trẻ em cần nhớ số điện thoại và gọi cấp cứu (khi cần thiết) đến số 115(cấp cứu y tế) hoặc 111 (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em).
Nắm vững nguyên tắc 3 không:
• Không xuống nước nếu không biết bơi hoặc khi cơ thể mệt mỏi.
• Không bơi, lội một mình.
• Không bơi, lội khi thời tiết đang hoặc sắp chuyển xấu (như mưa to, dông, sét,...) và không bơi, lội trong vùng nước bẩn.
1.1. Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước
Các dụng cụ chứa, đựng nước trong gia đình như giếng, bể, lu chứa phải có nắp đậy và được che chắn cẩn thận, gài chốt chắc chắn, an toàn.
Các vật dụng chứa nước trong gia đình cần phải có nắp đậy an toàn
Ở những gia đình có hồ bơi, có ao cần phải được rào chắn chắc chắn, cẩn thận tạo môi trường an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
1.2. Giám sát
Đối với trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non, phải thường xuyên có người giám sát, trông coi, không mải làm việc khác để trẻ nhỏ tự chơi một mình. Không để trẻ nhỏ một mình trong khi đi vệ sinh, rửa tay, chân trong nhà vệ sinh hoặc ở khu vực có vùng nước mở (giếng, ao,hồ, khe rạch nước,...), khi ở nhà, trường/ lớp/ nhà trẻ mầm non.
Giám sát trẻ em, học sinh khi ra khỏi nhà: Yêu cầu các em phải nói cho gia đình biết là đi đâu, làm gì, cùng với ai, trong bao lâu. Khi thấy các em rủ nhau đi tắm, vui chơi ở khu vực có vùng nước mở thì có biện pháp giám sát, bảo vệ.
1.3. Nhắc nhở
Thường xuyên nhắc nhở trẻ em, học sinh về các biện pháp phòng tránh đuối nước thường gặp phải tại môi trường an toàn mà các em đang sinh sống. Chỉ bảo cho trẻ nhỏ, học sinh không chơi đùa với nước khi không có sự giám sát của người lớn; dạy cho trẻ nhận biết những khu vực có nguy cơ bị đuối nước. Việc nhắc nhở, chỉ bảo này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và kiên trì sẽ giúp cho các em nhỏ dần hình thành ý thức,
2. Dạy trẻ học bơi
Cùng với việc trang bị kiến thức, kĩ năng chủ động phòng tránh đuối nước thì học bơi an toàn là cách phòng tránh đuối nước hiệu quả nhất, giúp học sinh chủ động thoát khỏi những yếu tố nguy hiểm trong môi trường nước bất ngờ xảy đến và giúp bảo vệ an toàn đối với bản thân, góp phần phòng tránh đuối nước cho cộng đồng, xã hội.
Một số lưu ý đối với học sinh
Thường xuyên nhắc nhở để các em không mắc các lỗi khi tham gia bơi, lội:
– Nhảy cắm đầu (dễ bị tai nạn khi gặp vùng nước nông hoặc vật nguy hiểm dưới đáy);bơi thi ở nơi không có chỉ dẫn (dễ gặp tai nạn bất ngờ).
– Bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa (dễ gặp tai nạn đuối nước).
– Không khởi động/ khởi động không kĩ hoặc vận động quá sức trước khi xuống
nước (dễ bị chuột rút, chấn thương khớp vai, gối).
– Ăn uống khi đang bơi (dễ bị sặc nước).
– Đi bơi ngay sau khi ăn no (dễ bị nôn, dễ ngạt nước, máu lên não không đủ gây choáng váng, tạm mất ý thức, dễ gây chuột rút).
– Không thông báo cho gia đình biết khi cùng bạn đi bơi; rủ nhau đi tắm, vui chơi ở sông, hồ, ao,... khi được nghỉ học ở trường.
IV. PHƯƠNG PHÁP CỨU ĐUỐI AN TOÀN VÀ SƠ CẤP CỨU BAN ĐẦU
1. Các phương pháp cứu đuối
Cứu đuối có 2 phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.
– Cứu đuối gián tiếp là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước,...) để cứu người bị đuối nước khi họ vẫn còn đang tỉnh.
– Cứu đuối trực tiếp là nhảy xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Cứu đuối trực tiếp chỉ dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, đã được cấp chứng chỉ cứu hộ, có đủ sức khoẻ và năng lực ở thời điểm thực hiện. Trong một số trường hợp, tuỳ theo mức độ, tính chất cụ thể của từng vụ đuối nước mà người thực hiện cứu đuối có thể thực hiện cứu đuối trực tiếp khi chưa phải là người cứu hộ chuyên nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cứu sống nạn nhân và bảo đảm an toàn cho bản thân.
Tuỳ theo tình hình thực tế mà người cứu đuối lựa chọn phương án cứu phù hợp,
an toàn và hiệu quả.
Trẻ em, học sinh tuyệt đối không được cứu đuối trực tiếp dù trong hoàn
cảnh nào do thể chất chưa phát triển đầy đủ, trẻ không có khả năng đánh giá
chính xác được độ sâu và nguy hiểm của vùng nước, việc nhảy xuống cứu
người trực tiếp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của chính trẻ. Giáo viên/người lớn lưu ý không dạy phương pháp cứu đuối trực tiếp cho trẻ.
2. Các kĩ năng cứu đuối
2.1 Kĩ năng tự cứu
Cần nhanh chóng thực hiện các hành động sau:
– Kêu cứu thật to (nếu có thể), nắm 1 bàn tay và giơ lên.
– Bình tĩnh nín thở để không bị sặc, đợi nước đẩy nổi lên.
– Thực hiện kĩ thuật nổi ngửa để duy trì trạng thái an toàn và tiếp tục kêu cứu.
Nếu không có ai, cần chủ động thực hiện kĩ thuật bơi tự cứu, từ từ thoát khỏi vùng nước nguy hiểm để vào bờ. Tuỳ theo khả năng, sức khoẻ để chọn kiểu bơi tự cứu hay bơi ếch, bơi sải phù hợp với bản thân để thực hiện việc tự cứu.
2. 2. Các kĩ năng cứu đuối khi thấy người khác đang bị đuối nước
2.2.1. Kĩ năng cứu đuối khi người bị đuối nước ở gần bờ
Trẻ em, học sinh tuyệt đối không được trực tiếp nhảy xuống cứu hoặc đưa tay ra cho người bị nạn nắm tay mình (vì người gặp nạn thường hay mất bình tĩnh, hoảng loạn, có thể sẽ nắm chặt tay người cứu và lôi xuống nước).
Tìm các vật dụng để tiếp cận người bị đuối nước. Có thể là mảnh vải, quần áo nối chúng với nhau, cây gậy, cành cây, mái chèo, cần câu, khúc gỗ hoặc bất kể vật gì ở gần mà bạn có thể sử dụng để với tới được người bị nạn.
Trình tự giải cứu:
– Nói chuyện, động viên để trấn an người bị nạn bình tĩnh.
– Chọn vật trợ giúp phù hợp, nằm xuống cho tư thế chắc chắn, an toàn và thực hiện cứu hộ để không bị lôi xuống nước khi kéo người bị nạn.
– Đưa vật trợ giúp ra và hướng dẫn người bị nạn bắt lấy.
– Kéo người bị nạn sang một bên, giữ cho đầu của họ nổi trên mặt nước. Nếu họ cố gắng bắt lấy bạn, HÃY THẢ TAY RA, an toàn của bạn là trên hết.
– Giúp người bị nạn lên bờ.
– Tiến hành chăm sóc ngay sau đó bằng cách đánh giá tình hình phản ứng của người bị nạn, xoa dịu, trấn an và bảo vệ họ khỏi các yếu tố xấu khác có thể tác động.
2.2.2 Kĩ năng cứu đuối khi người bị đuối nước ở xa bờ
Trẻ em, học sinh tuyệt đối không được bơi ra để cứu người đang bị đuối nước.
Cần tìm kiếm các vật dụng để thực hiện việc cứu đuối an toàn như các vật nổi: vòng phao cứu sinh, quả bóng, can nhựa hoặc bất kể vật gì nổi để người bị nạn có thể bám vào, làm nổi cơ thể. Nếu người bị nạn tự bám vào vật nổi để di chuyển vào bờ được thì tìm cách đưa họ lên bờ ngay, còn người bị nạn không thể tự di chuyển vào bờ thì tìm cách quăng dây ra để kéo nạn nhân vào bờ.
3. Quy trình sơ cấp cứu ban đầu
Có nhiều trường hợp người bị tai nạn đuối nước hoặc gặp các tai nạn, thương tích khác ở mức độ nặng như không còn thở, ngừng tim, ngừng mạch, tuy nhiên vẫn còn trong khoảng thời gian vàng cấp cứu, nếu việc sơ cấp cứu ban đầu được thực hiện kịp thời, đúng cách có thể giành lại sự sống cho người bị nạn. Việc sơ cấp cứu là hành động khó, tuy nhiên nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng thì giáo viên, học sinh trong các tình huống cụ thể vẫn có thể thực hiện việc sơ cấp cứu ban đầu đạt được hiệu quả.
Trẻ em, học sinh tuyệt đối không được tự ý thực hiện việc cứu đuối trực tiếp ở những tình huống người bị đuối nước xa bờ, bị đuối nước ở vùng nước nguy hiểm.Trong mọi tình huống, sự an toàn của bản thân là quan trọng nhất.
Sau khi làm cho hiện trường an toàn và đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, người sơ cấp cứu thực hiện các bước hồi sức theo 3 chữ cái đầu tiên là CAB, cụ thể là:
C – Circulation: Tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực − ép tim 30 lần).
A – Air ways: Khai thông đường thở, kiểm tra hơi thở (tuyệt đối không được vác, sốc ngược người bị đuối nước trên vai chạy).
B – Breathing: Hô hấp nhân tạo (thổi 2 hơi).
( Nguồn: Tài liệu hướng dẫn phòng chống đuối nước cho học sinh dành cho CBGV cơ sở GD mầm non, phổ thông).