Tài nguyên mới
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 38
Năm 2024 : 8.032
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mùa Covid-19

    Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus Corona theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh. Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mùa Covid-19

    NHỮNG NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CẦN LƯU Ý

I.Nguyên tắc chung

– Trẻ em trong những năm đầu hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn nếu bị lây nhiễm bệnh, nhất là những trẻ cân nặng thấp, suy dinh dưỡng hay có bệnh nền, bệnh mạn tính.

– Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng theo nhu cầu của mỗi lứa tuổi. Nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng nếu trẻ có suy dinh dưỡng hay trong giai đoạn phục hồi của bệnh cấp tính. Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ cần đáp ứng nhu cầu theo lứa tuổi và theo nguyên tắc dinh dưỡng nếu trẻ có bệnh nền (nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa…). Cần tư vấn cán bộ dinh dưỡng nếu trẻ có suy dinh dưỡng hoặc bệnh nền.

– Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng). Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, ăn chín, uống sôi, quá trình chế biến không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú ý thực hiện rửa tay thường xuyên, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi chế biến và cung cấp thức ăn, rửa tay trước khi ăn.

– Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, sắt, selen, omega 3, probiotic… là những chất dinh dưỡng tham gia vào các hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Cho trẻ uống đủ nước để đảm bảo hoạt động tốt nhất cho các hệ cơ quan. Nước giúp hệ thống nhầy ở đường hô hấp hoạt động tốt, bảo vệ được tế bào ở các niêm mạc không bị tổn thương, giảm khả năng kết dính của các tác nhân gây bệnh vào tế bào, giúp hạn chế các vi khuẩn và virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Nước giúp các lông chuyển của đường hô hấp mềm mại, có khả năng đào thải bớt các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, do đó rất quan trọng trọng việc phòng lây nhiễm virus. – Trẻ bị ốm phải được khám bệnh sớm và điều trị khỏi bệnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Tiêm chủng (chủng ngừa) đầy đủ theo lịch để phòng chống bệnh tật.

II.Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ từ trên 6 – 36 tháng tuổi

– Là lứa tuổi mọc răng sữa và ăn mềm. Trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm, ăn sam) cùng với bú mẹ. Thức ăn bổ sung của trẻ sẽ tăng dần độ thô, độ cứng, độ đặc theo tuổi.

– Trẻ từ trên 6 tháng tuổi đến trên 7 tháng tuổi: sau khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, thường bắt đầu bằng bột lỏng. Cần tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc. Bổ sung thêm 1-2 lần nước hoa quả và duy trì bú mẹ 6-8 lần/ ngày hoặc sữa công thức 700-800 ml/ ngày nếu mẹ không có sữa.

– Trẻ từ 8-9 tháng: trẻ đã có răng, cần tập cho trẻ phản xạ nhai, vì vậy cần tập cho trẻ ăn bột đặc hơn và thô hơn. Trẻ cần được tập ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tuy nhiên các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên. Thức ăn nên được ăn cả cái để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Trẻ bú mẹ 5-6 lần/ ngày, 2- 3 bữa bột đặc 10% (200 ml/ bữa với cá/ thịt/ trứng: 20-25 g/ bữa; rau xanh: 10-20 g/ bữa, dầu/ mỡ: 7-10 ml/ bữa). Bổ sung thêm 1-2 bữa quả nghiền, sữa chua, phô mai.

– Trẻ từ 10-12 tháng: trẻ có thể ăn thô tốt hơn, chuyển sang chế độ cháo. Tiếp tục bú mẹ 4-5 lần/ ngày, 3-4 bữa cháo (cá, thịt, trứng: 20-25 g; rau xanh: 20g/ bữa, dầu, mỡ: 7-10 ml/bữa). Bổ sung 1-2 bữa quả chín, sữa chua, phô mai.

– Trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: bú mẹ, 3-4 bữa cháo đặc (200-250 ml/ bữa), sau 18 tháng tuổi có thể tập ăn cơm nát. Bổ sung 1-2 bữa quả chín cắt lát mỏng, sữa chua, phô mai

. – Trẻ từ 24 đến 36 tháng: trẻ ăn 3 bữa cơm chính cùng gia đình, mỗi bữa ăn bao gồm 30-40 g thực phẩm giàu đạm, 25-30 g rau lá, rau củ quả. Bữa phụ trẻ có thể ăn trái cây/ quả chín, sữa và chế phẩm sữa.

III. Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi

Trẻ ăn cùng với gia đình: 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ. Theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 3-5 tuổi, số lượng thực phẩm khuyến nghị cho 1 ngày ăn của trẻ như sau:

+ Ngũ cốc, khoai củ và các sản phẩm chế biến: ăn trung bình 5-6 đơn vị ăn ngũ cốc, khoai củ và sản phẩm chế biến trong một ngày. Đơn vị ăn thực phẩm tham khảo trong bài Hướng dẫn sử dụng các đơn vị ăn của tháp dinh dưỡng để ước lượng thực phẩm. Trong mỗi bữa ăn nên có sự phối hợp giữa ngũ cốc và khoai củ.

+ Rau lá, rau củ quả: ăn 2 đơn vị rau lá, rau củ quả một ngày. Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại rau củ quả để cung cấp đa dạng các loại vitamin và chất khoáng khác nhau.

+ Trái cây/quả chín: ăn 2 đơn vị trái cây/quả chín một ngày. Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại trái cây, quả chín. + Thịt, thủy sản, trứng và các loại hạt giàu đạm: ăn 3,5 đơn vị thịt, thủy sản, trứng và các loại hạt giàu đạm một ngày. Cho trẻ ăn cần đa dạng các loại thực phẩm giàu đạm, cần cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật.

+ Sữa và chế phẩm sữa: sử dụng 4 đơn vị sữa và chế phẩm sữa một ngày, tương đương 1 hộp sữa chua, 1 miếng phô mai và 200 ml sữa dạng lỏng. Nên phối hợp 3 loại sản phẩm sữa để tối ưu hóa thành phần dinh dưỡng trong sữa và chế phẩm sữa.

+ Dầu mỡ: sử dụng dưới 5 đơn vị ăn dầu/mỡ một ngày (dưới 25 ml dầu/mỡ một ngày). + Đường: sử dụng dưới 3 đơn vị 1 ngày (dưới 15 g đường). + Muối: Sử dụng dưới 3 g muối/ngày.

+ Nước: sử dụng 6 cốc nước và dịch lỏng (mỗi cốc nước tương đương với 200 ml nước). Không nên cho trẻ uống nước ngọt…

III. Lối sống,tập luyện, sinh hoạt lành mạnh và khỏe mạnh

- Thư giãn, chơi đùa cùng trẻ cũng là một cách hiệu quả tăng cường hệ miễn dịch

- Tập thể dục, khuyến khích các hoạt động thể thao ngoài trời tại sân nhà , hạn chế nơi công cộng. Nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch. Khuyến khích trẻ tập đi bộ ngoài trời thoáng mát hàng ngày, trẻ lớn chạy hoặc đi bộ nhanh , nhưng nhớ là tập vừa đủ, không quá mệt, mỗi ngày tập một chút.

- Ngủ sớm , đủ và sâu giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh , cơ thể có thời gian tái tạo năng lượng và tinh thần sảng khoái.

  - Ở nhà cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập làm việc nhà như sắp xếp đồ chơi sau khi chơi, quét nhà và tự gấp quần áo cho trẻ. Cần hạn chế thời gian ngồi, xem tivi và chơi game.

IV. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh.

- Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. Hạn chế ăn hàng quán.

- Tất cả thực phẩm mua về cố gắng biết rõ nguồn gốc càng tốt. Thực phẩm mua ngoài chợ, hạn chế tối đa thực phẩm không rõ nguồn gốc và không sử dụng động vật hoang dã.

- Tránh tiếp xúc động vật bị ốm và thực phẩm ôi thiu.

 * Các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất, để có một sức khỏe tốt, phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19.


Tác giả: Trường Mầm non TT Văn Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan